Vắc xin MMR (Ấn Độ) phòng bệnh Sởi – quai bị – rubella
1. Thông tin vắc xin
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra, có thể gây viêm tai giữa , viêm thanh quản, viêm phế quản – phổi, viêm màng não,…
Quai bị do virus quai bị gây ra. Biến chứng đáng lo của bệnh gây ra là khiến 20 – 35% nam giới sau tuổi dậy thì mắc quai bị bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn – nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ gây vô sinh ở nam giới.
Rubella do virus rubella gây ra. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, bệnh đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây dị tật nặng nề cho thai nhi như đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.., thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.
Sởi, quai bị và Rubella đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm phòng vắc xin MMR (Ấn Độ) là phương pháp đề phòng bệnh hữu hiệu hiện nay.
Thông tin vắc xin
Vắc xin MMR là vắc xin sống, giảm độc lực, được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Sản phẩm có dạng viên đông khô màu trắng ánh vàng. Vắc xin đạt được các tiêu chuẩn của W.H.O khi kiểm tra bằng các phương pháp theo hướng dẫn trong tạp chí W.H.O TRS 840 (1994).
Nguồn gốc
Vắc xin MMR được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Serum Institute of India Ltd.
Đường tiêm
Vắc xin được tiêm theo đường tiêm dưới da sâu ở vị trí mặt trước bên đùi đối với trẻ nhỏ và vị trí bắp tay đối với trẻ lớn hơn.
Chống chỉ định và thận trọng
Những người đang sử dụng corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc đang xạ trị có thể không có đáp ứng miễn dịch tối ưu.
Không được tiêm vắc xin cho những người đang sốt, có thai, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh bạch hầu, thiếu máu nghiêm trọng và các bệnh nặng khác về máu, có tổn thương chức năng thận, bệnh tim mất bù, đang sử dụng gammaglobulin hoặc truyền máu hoặc các đối tượng có khả năng dị ứng với các thành phần của vắc xin.
Vắc xin có thể còn vết của neomycin.
Chống chỉ định tuyệt đối với người có phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn với neomycin, có tiền sử phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn.
Không chống chỉ định với các trường hợp sốt nhẹ, viêm đường hô hấp nhẹ hoặc tiêu chảy và các triệu chứng ốm nhẹ khác.
Không có báo cáo phản ứng phụ nghiêm trọng nào ở phụ nữ có thai vô tình được tiêm vắc xin có thành phần Rubella ở giai đoạn sớm thai kỳ.
Tương tác thuốc
Do nguy cơ bị mất hoạt tính, nên không tiêm vắc xin MMR trong vòng 6 tuần và nếu có thể trong vòng 3 tháng kể từ khi sử dụng immunoglobulins hoặc một sản phẩm máu khác có chứa immunoglobulins (máu hoặc huyết tương).
Cũng với lý do trên, không được sử dụng immunoglobulins trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vắc xin.
Những người có phản ứng Tuberculin dương tính có thể chuyển thành âm tính sau khi tiêm vắc xin.
Tác dụng không mong muốn
Loại và tỉ lệ phản ứng phụ nghiêm trọng không có khác biệt nhiều so với các phản ứng phụ từ vắc xin sởi, quai bị và rubella đã được báo cáo riêng lẽ.
Trong vòng 24h sau khi tiêm, vắc xin sởi có thể gây đau nhẹ và nhạy cảm vùng tiêm. Trong phần lớn các trường hợp các triệu chứng thường tự khỏi sau 2 đến 3 ngày mà không cần có sự can thiệp về y tế.
Sốt nhẹ cũng có thể xảy ra trong khoảng 7-12 ngày sau tiêm và kéo dài 1-2 ngày, chiếm tỉ lệ 5-15% người được tiêm.
Phát ban xảy ra khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu 7-10 ngày sau tiêm và kéo dài 2 ngày.
Các phản ứng phụ nhẹ không xảy ra thường xuyên sau khi tiêm mũi thứ 2 vắc xin có thành phần kháng nguyên sởi và có xu hướng chỉ xảy ra với người không có bảo vệ từ mũi thứ nhất.
Thành phần rubella trong vắc xin có thể gây triệu chứng rõ ràng như đau khớp (25%) và viêm khớp (10%) ở nữ giới độ tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành. Các triệu chứng này thường xảy ra sau khi tiêm vắc xin từ 1-3 tuần và kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Tuy nhiên các phản ứng này hiếm gặp ở trẻ em và nam giới (0-3%). Các phản ứng này thường xảy ra ở người không có miễn dịch, vì vậy việc tiêm vắc xin là rất quan trọng.
Sốt nhẹ, ngứa, nổi hạch bạch huyết, đau cơ và cảm giác khó chịu được báo cáo là phổ biến.
Ở một số trường hợp rất hiếm gặp, ở người mẫn cảm, vắc xin có thể gây dị ứng nổi mề đay, ngứa và phát ban trong vòng 24h sau tiêm.
Bảo quản
Cả vắc xin và nước hồi chỉnh đều phải tránh ánh sáng. Cần bảo quản vắc xin ở chỗ tối, nhiệt độ từ 2-8 độ C. Nước hồi chỉnh phải bảo quản nơi mát, không để đông băng.
2. Đối tượng
Tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị và rubella ở trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi.
3. Phác đồ, lịch tiêm
Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo nên tiêm liều MMR đầu tiên khi trẻ 12-15 tháng tuổi và tiêm MMR liều thứ hai khi trẻ được 4-6 tuổi ( vì nguy cơ tái nhiễm tăng cao khi trẻ bắt đầu vào tiểu học).
4. Tình trạng vắc xin
Để tham khảo thông tin tình trạng vắc xin, Quý khách vui lòng truy cập bảng giá.