Vắc xin JEEV (Ấn Độ) phòng bệnh viêm não Nhật Bản
1. Thông tin vắc xin
Vắc xin JEEV là loại vắc xin tinh khiết, bất hoạt qua nuôi cấy từ tế bào Vero, giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động nhằm dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Nguồn gốc
Vắc xin JEEV được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi hãng dược phẩm hàng đầu tại Ấn Độ – Biological E. Limited.
Đường tiêm
Vắc xin JEEV được chỉ định tiêm bắp;
Tuyệt đối không tiêm vắc xin JEEV vào tĩnh mạch trong mọi trường hợp;
Không được trộn lẫn vắc xin JEEV trong cùng một lọ hoặc ống tiêm với bất kỳ dung dịch hoặc loại vắc xin nào khác.
Chống chỉ định
Người bị dị ứng hoặc nghi ngờ dị ứng với các thành phần của vắc xin, kể cả các tá dược và chất tồn dư như Protamine Sulphate.
Trong trường hợp sau khi tiêm mũi 1 có biểu hiện quá mẫn, không nên tiêm mũi tiếp theo.
Người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, nhiễm HIV/AIDS;
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Thận trọng khi sử dụng
Tương tự các vắc xin khác, người tiêm chủng sau tiêm vắc xin cần theo dõi các phản ứng bất lợi, đặc biệt là các triệu chứng của phản ứng phản vệ để luôn sẵn sàng thuốc cấp cứu. cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế về theo dõi sau tiêm.
Hoãn tiêm chủng đối với các đối tượng đang bị sốt nặng cấp tính.
Vắc xin JEEV chỉ dùng để dự phòng, hoàn toàn không có tác dụng điều trị các bệnh lý và triệu chứng do virus viêm não Nhật Bản gây ra như hôn mê, co giật, các biến chứng thần về vận đồng và kinh khác.
Tuyệt đối thận trọng khi sử dụng vắc xin JEEV cho các đối tượng bị mắc các chứng rối loạn chảy máu và giảm tiểu cầu vì sau khi tiêm bắp sẽ có thể xảy ra hiện tượng chảy máu.
Trong một vài trường hợp bất khả kháng, có thể cần phải chuyển đối vắc xin viêm não Nhật Bản và việc chuyển đổi này cần được bác sĩ đánh giá và chỉ định.
Khả năng sinh sản, phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Không nên dùng cho các đối tượng là phụ nữ mang thai và đang cho con bú vì không có đủ dữ liệu nghiên cứu về sử dụng vắc xin cho đối tượng này.
Khả năng sinh sản
Chưa có bằng chứng nào chỉ ra việc sử dụng JEEV làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Tương tác thuốc
Có thể đồng thời tiêm vắc xin JEEV với các vắc xin phòng bệnh khác nhưng phải được tiêm tại các vị trí chi khác nhau.
Tương kỵ
Không có nghiên cứu chỉ ra sự tương hợp, không được trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
Tác dụng không mong muốn
Phản ứng tại chỗ tiêm: Sưng, đau, xuất hiện quầng đỏ tại vị trí tiêm, nhạy cảm đau,…
Các phản ứng toàn thân khác: Đau nhức các cơ, ban đỏ, sốt, khó chịu, buồn ngủ, mệt mỏi, trẻ quấy khóc, giảm sự thèm ăn, buồn nôn, …
Bảo quản
Vắc xin JEEV được bảo quản trong tủ lạnh có nhiệt độ giao động từ 2 – 8°C;
Không để đông lạnh, nếu bị đông đá, loại bỏ lọ vắc xin;
Nên sử dụng JEEV càng sớm càng tốt ngay sau khi được lấy ra khỏi tủ lạnh;
Tránh ánh sáng mặt trời.
2. Đối tượng
Vắc xin JEEV được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ tròn 12 tháng tuổi đến người lớn ≤ 49 tuổi.
3. Liều tiêm, lịch tiêm
Liều tiêm:
Trẻ từ 1 tuổi đến tròn 3 tuổi: tiêm liều 3mcg/0,5 ml
Người từ > 3 tuổi đến 49 tuổi: tiêm liều 6mcg/0,5 ml
Lịch tiêm:
02 mũi cơ bản:
Mũi 1: Lần đầu tiêm trong độ tuổi
Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
Các mũi tiêm nhắc: khuyến cáo cần tiêm mũi nhắc để tăng cường và duy trì miễn dịch. Mũi nhắc lại dựa trên tình hình dịch tễ bệnh viêm não Nhật Bản và khuyến cáo của các Quốc gia có cùng dịch tễ.
4. Phản ứng sau tiêm chủng
Vắc xin JEEV có độ an toàn cao. Tuy nhiên, trong một số thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, đánh giá tính an toàn của vắc xin JEEV, các đối tượng được tiêm có thể xuất hiện ít nhất một phản ứng bất lợi. Các phản ứng này thường xảy ra trong khoảng 3 ngày đầu tính từ ngày tiêm, các phản ứng gặp phải thường ở mức độ nhẹ trung bình và sẽ biến mất trong vòng một vài ngày. Không có sự gia tăng các phản ứng bất lợi giữa liều đầu tiên và liều thứ 2. Các phản ứng có thể gặp gồm:
Phản ứng tại chỗ tiêm: Sưng, đau, xuất hiện quầng đỏ tại vị trí tiêm, nhạy cảm đau,…
Các phản ứng toàn thân khác: Đau nhức các cơ, sốt, khó chịu, mệt mỏi, trẻ quấy khóc, giảm sự thèm ăn, ban đỏ, …
Hệ thần kinh trung ương và ngoại vi: Đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, ngủ lơ mơ,…
Dạ dày, ruột: Nôn mửa, viêm dạ dày, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn,…
Tuy nhiên, đây là những phản ứng phụ sau tiêm thông thường và sẽ tự hết sau vài ngày mà không cần điều trị.
5. Tình trạng vắc xin
Để tham khảo thông tin tình trạng vắc xin, Quý khách vui lòng truy cập bảng giá.