1. Thông tin vắc xin
Vắc xin Ivacflu – S phòng 3 chủng cúm A(H3N2), cúm A(H1N1),và cúm B (Victoria/Yamagata).
Nguồn gốc
Vắc xin Ivacflu – S được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế IVAC – Việt Nam.
Đường tiêm
Vắc xin Ivacflu-S được sử dụng qua đường tiêm bắp. Vị trí tiêm: Cơ delta (bắp cánh tay). Không được tiêm vắc xin vào mạch máu.
Chống chỉ định
Có tiền sử sốc phản vệ với vắc xin cúm IVACFLU-S.
Tiền sử mẫn cảm với bất cứ chủng virus cúm nào trong thành phần vắc xin.
Tiền sử mẫn cảm với cao su (của nút lọ đựng vắc xin) hoặc các thành phần pha chế vắc xin như dung dịch PBS.
Người có hội chứng Guilain-Barre, có rối loạn thần kinh.
Người bị động kinh đang tiến triển hoặc có tiền sử co giật.
Người có cơ địa mẫn cảm nặng với các vắc xin khác (đã từng bị sốc phản vệ khi tiêm vắc xin)
Hoãn tiêm chủng nếu người tiêm có tình trạng bệnh lý mà cán bộ tiêm chủng nhận thấy không an toàn khi tiêm vắc xin (sốt trên 38oC; bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc không đảm bảo hiệu quả của vắc xin (đang dùng thuốc ức chế miễn dịch trên 14 ngày, mắc lao thể hoạt động…).
Thận trọng khi sử dụng
Vắc xin cúm mùa Ivacflu-S nên để đạt bằng nhiệt độ phòng ngay trước khi sử dụng. Nên lắc kỹ trước khi sử dụng. Cần giám sát chặt phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin.
Đáp ứng miễn dịch có thể không đủ mức bảo vệ trong trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm mùa trước khi chuẩn bị mang thai.
Không chống chỉ định đối với toàn bộ đối tượng có bệnh mãn tính, đặc biệt nên tiêm vắc xin Ivacflu-S cho đối tượng làm việc ở các cơ sở xã hội đông người, nằm viện lâu ngày. Trong những trường hợp này cần theo chỉ định của bác sĩ.
Người bị bệnh đường hô hấp mãn tính như hội chứng COPD nên tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm theo chỉ định của bác sĩ
Nhân viên y tế và người cao tuổi nên tiêm vắc xin trước mùa cúm hàng năm.
Đối tượng đi du lịch đến các nước vùng dịch nên tiêm một liều ít nhất 7 ngày trước khi đi. (Nếu chưa tiêm vắc xin cúm trong vòng 1 năm trước đó).
Tác dụng không mong muốn
Có một số phản ứng tại chỗ như đau tại vị trí tiêm khi chạm phải, đau tại vị trí tiêm, rất thường xảy ra trong những ngày đầu sau khi tiêm, các triệu chứng tại chỗ khác như sưng, mảng cứng và quầng đỏ có thể thường xảy ra. Các phản ứng toàn thân như mệt mỏi, khó chịu rất thường hay gặp. Triệu chứng ớn lạnh, buồn nôn và sốt nhẹ thường hay xảy ra. Nôn và cảm giác sốt có thể gặp nhưng ít xảy ra. Tất cả các phản ứng không mong muốn đều ở mức độ nhẹ và thường tự khỏi sau 1 – 2 ngày, không cần điều trị.
Rối loạn hệ thần kinh – vận động tạm thời như đau cơ, đau đầu, đau khớp là các biểu hiện thường hay bắt gặp. Cũng giống như các triệu chứng không mong muốn khác các biểu hiện trên thường nhẹ và tự qua khỏi sau 1-2 ngày, không cần điều trị.
Chưa ghi nhận các biểu hiện rối loạn thần kinh như tê liệt, đau dây thần kinh hay viêm đa rễ thần kinh ngoại biên (hội chứng Guillian-Barre), nhưng cần chú ý vì trong y văn đã có báo cáo, mặc dù rất hiếm xảy ra. Khi có các triệu chứng nêu trên cần thông báo cho bác sĩ tại điểm tiêm phòng và cần thực hiện điều trị y tế thích hợp.
Có thể gặp dị ứng hay phản ứng phản vệ nhưng hiếm gặp. Trong những trường hợp này cần được xử trí cấp cứu kịp thời theo quy định về an toàn tiêm chủng.
Bảo quản
Nhiệt độ bảo quản vắc xin từ 2 đến 8 độ C, tránh đông băng. Bảo quản vắc xin nguyên trong hộp để tránh ánh sáng.
2. Đối tượng
Vắc xin dành cho người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi (đến sinh nhật lần thứ 60 tuổi). Lưu ý, không chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai.
3. Phác đồ, lịch tiêm
Vắc xin Ivacflu – S 0,5ml (Việt Nam) có dành cho người từ 18 tuổi đến sinh nhật lần thứ 60 có lịch tiêm 1 mũi. Tiêm nhắc lại 01 mũi hàng năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng phát dịch.
4. Điều kiện trước tiêm
Bị nhiễm Covid-19 rồi có tiêm Cúm được không?
Sau khi điều trị xong bệnh Covid-19, sức khỏe hoàn toàn ổn định (không còn các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Covid-19) vẫn có thể tiêm các vắc xin khác được (trừ vắc xin Covid-19 cần chờ sau 6 tháng). Tùy vào sức khỏe khách hàng mà bác sĩ khám sàng lọc và chỉ định phù hợp.
Khách hàng trước khi tiêm vắc xin cúm có cần ăn thử trứng gà trước khi tiêm để test dị ứng không?
Các khuyến cáo gần đây khẳng định, người dị ứng với trứng vẫn có thể tiêm ngừa cúm. Vì vậy trong thực hành tiêm chủng, bác sĩ không nhất thiết phải yêu cầu người đi tiêm vắc xin cúm cần ăn thử trứng để thử dị ứng trước khi tiêm.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khám sàng lọc và tư vấn của bác sĩ, người đi tiêm vắc xin nên thông báo cho bác sĩ các thông tin lịch sử dị ứng của bản thân bao gồm dị ứng thức ăn, vắc xin, hóa chất, phản ứng nặng sau tiêm lần trước (nếu có)… Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm đưa con đến VNVC để tiêm chủng theo đúng lịch.
Phụ nữ mang thai có tiêm được vắc xin Cúm không?
Vắc xin phòng cúm không chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai. Khách hàng có thể tiêm sau 3 tháng đầu thai kỳ và trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng. Khi tiêm, bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn, chỉ định mũi tiêm phù hợp. Khách hàng cần hoàn tất một số thủ tục trước tiêm.
Phụ nữ đang cho con bú có tiêm được vắc xin phòng Cúm không?
Trong thời gian cho con bú, phụ nữ vẫn có thể đi tiêm chủng một số loại vắc xin như Cúm tránh trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho con, đặc biệt khi trẻ chưa đủ tuổi để tiêm ngừa một số vắc xin.
5. Phản ứng sau tiêm chủng
Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, người tiêm hay gặp những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc biệt. Đó là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Cụ thể như sau:
Tại chỗ tiêm: đau, đỏ, sưng
Toàn thân: sốt,mệt mỏi, đau đầu
6. Tình trạng vắc xin
Để tham khảo thông tin tình trạng vắc xin, Quý khách vui lòng truy cập bảng giá.